Vấn đề đặt ra là hoạt động đào tạo cần gắn với nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động, tránh tình trạng được đào tạo nhưng lại không được sử dụng.
TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Học viện Phụ nữ Việt Nam), cho biết, có nhiều vấn đề đang đặt ra với lao động nữ tại Việt Nam. Thứ nhất là vấn đề đào tạo. Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và hội nhập (tổ chức phi chính phủ của Việt Nam), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam cao nhưng có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề. Lao động nữ chưa qua đào tạo là một trong những nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động và mang nhiều đặc trưng như: tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tập trung chủ yếu nhóm nghèo, sống ở nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ở nhóm phụ nữ lớn tuổi, học vấn thấp…
Theo TS. Nguyễn Đức Toàn, bất cập hiện nay là lao động đào tạo xong, đặc biệt là lao động được đào tạo sơ cấp, thời gian đào tạo dưới 1 năm, thường không tìm được việc làm phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
Đồng quan điểm và nêu giải pháp bảo đảm việc làm bền vững cho lao động nữ ngoài 35 tuổi, TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, cho rằng: Trước tiên cần cải thiện chất lượng, chương trình đào tạo nghề hiện nay. Lao động nữ bị mất việc làm được đào tạo, đào tạo lại cũng đồng nghĩa nâng cao cơ hội tiếp cận việc làm mới. Trong đó, vấn đề đặt ra là hoạt động đào tạo cần gắn với nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động, tránh tình trạng được đào tạo nhưng lại không được sử dụng.
Thực tế, tại các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông, lao động giản đơn, không đòi hỏi quá cao về trình độ, kỹ năng. Điều này khiến nhiều người lao động chưa chủ động học tập, nâng cao tay nghề. Vì vậy, cần thúc đẩy các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của công nhân, lao động nữ để họ chủ động tiếp cận các chính sách, chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề.
Về phía chủ sử dụng lao động, theo TS. Lê Văn Sơn, cần có những biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động. Đặc biệt là tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động, trong đó tăng cường trách nhiệm thực thi việc ký hợp đồng lao động; tuân thủ các quy định về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan tới người lao động.
Theo Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý I/2023 của Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư):
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9% và tỷ lệ này của nam giới là 75,3%.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
Viết bình luận
Bình luận (0)